Qua đời vì ung thư ở tuổi 32, nữ tiến sỹ để lại bức tâm thư khiến hàng triệu người giật mình
Những dòng tâm sự của người phụ nữ trẻ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp bỗng phải đấu tranh với căn bệnh quái ác chắc hẳn sẽ thức tỉnh hàng triệu người.
Vu Quyên sinh năm 1979 người Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc từng là du học sinh xuất sắc chuyên ngành kinh tế, Đại học Oslo, Na Uy. Trở thành tiến sĩ khi tuổi còn rất trẻ, Vu Quyên về nước và trở thành giảng viên của trường đại học Phúc Đán (Fudan University) danh tiếng.
Cô gái trẻ thường ủng hộ những hoạt động nhằm cải thiện môi trường và nguồn năng lượng tự nhiên. Ngoài ra, cô còn tình nguyện làm người bảo trợ cho nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ nhằm tạo điều kiện cho chúng được đến trường.
Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Vu Quyên bất ngờ nhận tin dữ, cô được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư vú vào tháng 12/2009. Không lâu sau, các bác sĩ thông báo căn bệnh trở nặng, di căn tới giai đoạn cuối.
Trong suốt thời gian chống chọi với bệnh tật, cô đã viết lại tâm thư “Sống là điều vĩ đại” và đăng tải lên trang mạng xã hội thu hút sự quan tâm của mọi người. Ngày 19/4/2011, Vu Quyên chút hơi thở cuối cùng và ra đi mãi mãi ở độ tuổi 32.
“Rồi ai trong chúng ta cũng sẽ nhận ra trong cuộc sống sức khỏe là thứ quan trọng hơn tất cả. Ở thời khắc giữa sự sống và cái chết, việc cố làm thêm một vài giờ cũng khiến bản thân chịu thêm nhiều áp lực. Nhu cầu thiết yếu như mua nhà, mua xe không còn ý nghĩa, chúng trở thành điều phù phiếm. Hãy cố gắng dành thời gian bên con cái, mua những món quà cần thiết cho người thân bằng tiền tiết kiệm. Không cần thiết phải ép sống trong nhà đẹp, bởi dù ở đâu khi có những người yêu quý bên cạnh thì đó là nơi ấm áp, hạnh phúc nhất trong đời bạn”.
“Khi cái chết gần kề, tôi mới hiểu lý do vì sao mình bị ung thư. Những dòng dưới đây đều rất có ích cho mọi người, hãy đọc chúng và xem như lời cảnh tỉnh. Đừng mù quáng ăn tất cả mọi thứ, ăn quá nhiều chất đạm hay lười biếng, buông thả bản thân và thức khuya. Đừng đem cuộc sống của mình so sánh với người khác hay ghen tị với cuộc sống của họ. Hãy cố gắng thay đổi chúng và bằng lòng với những gì mình có bởi ai trong chúng ta cũng là người may mắn và hạnh phúc, chừng nào bạn còn sống thì bạn có rất nhiều thứ”.
“Chiến đấu với căn bệnh ung thư suốt 1 năm trời, tôi cũng từng trải qua những đau đớn cả vật chất và tinh thần. Tôi thực sự nghiêm túc suy nghĩ tại sao mình lại mắc căn bệnh ung thư và đủ can đảm để có thể viết nên những dòng này. Ở thời điểm hiện tại, việc làm ấy chẳng có ý nghĩa gì với tôi nhưng sẽ giúp ích cho người khác”.
“Tôi từng có thời gian cố gắng, tiếp xúc với nhiều người trẻ và chúng tôi cùng cố gắng bằng kiến thức của mình để thay đổi số phận. Có người từng đọc một cuốn sách mất 20 năm, 10 năm…chỉ để leo lên đỉnh cao của sự nghiệp với cùng mục đích kiếm tiền lo cho cuộc sống”.
“Tôi từng muốn cha mẹ của mình có cuộc sống tốt hơn với đầy đủ vật chất, muốn con mình có một nền giáo dục hiện đại, muốn thay một ngôi nhà lớn đủ tiện nghi…Trên thực tế, khi gặp phải bệnh tật thì hạnh phúc của họ không còn là nhà cao cửa rộng, tiện nghi hiện đại như bạn nghĩ”.
“Ung thư là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Nó khiến tôi phải từ bỏ tất cả mọi thứ và nhận ra những điều đơn giản, bình dị đều là hạnh phúc song không ai có thể mang lại sự sống cho bất kỳ ai và đây dường như là số phận”.
“Tôi không bị mắc bệnh di truyền và thể chất của tôi rất tốt. Hơn nữa tôi mới sinh con và cho bé bú được 1 năm. Hầu hết những người mắc bệnh ung thư vú đều trong độ tuổi ngoài 45, còn tôi chỉ mới 31 tuổi mà thôi và có lẽ do chính những thói quen hàng ngày khiến tôi mắc căn bệnh quái ác này”.
Thói quen ăn uống
Ăn tất cả mọi thứ
Tôi không bao giờ từ chối bất kỳ món gì trên bàn ăn. Từ nhiều nguyên nhân khách quan như một đầu bếp của cha tôi, người khiến tôi có cơ hội thưởng thức những món ăn tôi chưa từng thử từ thịt công, thịt cá voi, cá nóc, hươu, linh dương, gấu, lợn rừng….
Tôi thấy những món ăn này chẳng có gì hấp dẫn, ngược lại còn cảm thấy tội lỗi khi phá hủy sự sống của chúng, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Có loại thịt thậm chí cho vào nồi áp súat hầm 4 tiếng vẫn cứng như đá, thịt dai và không có hương vị cuốn hút.
Ăn quá nhiều
Khi còn ở nước ngoài, tôi thường được thầy giáo mời đi ăn bởi khi nhìn tôi nhồm nhoàm nhai thầy cảm thấy kích thích vị giác và ngon miệng hơn, trái hẳn với vợ thầy.
Tôi khá tham ăn, ngay cả khi đi làm có lần đi ăn cùng 5 đồng nghiệp nam mà chẳng ai ăn nhiều như tôi. Nói một cách hài hước, tôi giống như con “rắn săn mồi” trên điện thoại có khả năng tiêu diệt mọi thứ.
Nghiện ăn thịt, thực phẩm giàu đạm
Trước khi bị bệnh, tôi rất thích ăn thịt, mỗi khi không có thịt trên bàn ăn tôi cảm thấy chán không có tâm chí ăn uống thậm chí là bỏ bữa cũng được. Mẹ tôi cho rằng thói quen xấu của tôi xuất phát từ bố. Vào những năm 1990, ông là đầu bếp nổi tiếng cấp quốc gia. Hồi còn học cấp ba, tôi được mệnh danh là đệ tử của bố về ẩm thực và được thử rất nhiều món ngon chế biến từ thịt.
Thức ăn yêu thích của tôi là hải sản. Cách đây 20 năm, khi ông bà nội tôi còn sống ở đảo Chu San (Zhoushan) họ thường cho tôi thưởng thức nhiều món ngon, đặc biệt là bàn ăn lúc nào cũng đầy ú ụ tôm cua…Ngoài ra, Quê chồng tôi lại ở một hòn đảo nhỏ trên thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, thế nên tôi có thể ăn hải sản tùy thích. Tôi không nghĩ hải sản gây bất lợi cho sức khỏe, điều tôi muốn biết là vì sao tôi lại bị ung thư.
Thức khuya, ngủ không đúng giờ giấc
Tôi có thói quen thức khuya bởi từ khi còn là sinh viên hầu như tôi chẳng lúc nào đi ngủ trước 12 giờ đêm. Có quá nhiều lý do để tôi thức khuya, thậm chí thâu đêm suốt sáng như học hành, ôn thi, hay đơn giản là chơi game, hát karaoke và ngồi thẫn thờ một mình. Nhìn chung, thời gian tôi đi ngủ sớm nhất cũng khoảng 1h sáng. Và điều này thực sự gây bất lợi cho sức khỏe, tôi cảm thấy vậy.
Chỉ khi biết mình bị bệnh, tôi mới nghiên cứu về y học Trung Quốc và biết được cơ chế đồng hồ sinh học có lợi cho sức khỏe con người.
Từ 21-23h là quãng thời gian hệ miễn dịch đào thải chất độc khỏi cơ thể
Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian gan thực hiện chức năng bài độc
Từ 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật.
Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi.
Từ 5h – 7h là khoảng thời gian để ruột già bài độc.
Từ 7h – 9h là thời điểm ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất.
Tôi hiểu rằng thức khuya không tốt cho sức khỏe. Khi làm xét nghiệm, gan của tôi có chỉ số rất cao, nhưng trước đó tôi không hề có bất kỳ triệu chứng gì của bệnh gan. Tôi rất ngạc nhiên và gấp gáp tìm hiểu lý do tại sao chức năng gan của tôi lại có vấn đề như vậy, bởi vì chức năng gan kém thì không thể tiếp tục quá trình hóa trị.
Bác sĩ giải thích, khoảng thời gian từ 11h đêm đến 3h sáng gan hoạt động mạnh, cũng là thời điểm gan thải độc hiệu quả nhất. Nếu chức năng gan không nghỉ ngơi sẽ gây ra lưu thông máu không đủ ở gan, rất khó để các tế bào gan hồi phục dẫn đến sự suy giảm và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Sau khi biết được điều này, tôi bắt đầu ngủ sớm hơn, thực hiện chế độ ăn hợp lý, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc và bổ sung vitamin B. Tuy nhiên, chức năng gan của tôi hoạt động ngày một tệ bởi tôi phải thực hiện hóa trị cho căn bệnh ung thư.
Nhồi nhét quá mức
Tôi tự hào về các thành tích mà mình đạt được. Song phải trả giá cao khi trong suốt 30 năm qua, tôi đã dành đến 20 năm để học tập, mải mê chạy theo thành tích và các loại học bổng, giải thưởng nên tôi đã bỏ lỡ nhiều thời gian quý giá trong đời.
Có lẽ thứ duy nhất mà tôi biết được là bãi học lãng phí tuổi trẻ chỉ để trở thành mẫu người điển hình của chế độ “2W”, tức là chỉ học hành chăm chỉ trước khi diễn ra kỳ thi 2 tuần (two weeks) và kết quả luôn ở mức kém (too weak).
Bằng chứng là mỗi khi kỳ thi đến, tôi luôn phải cố gắng nhồi nhét khối lượng kiến thức khổng lồ với thời gian gấp gáp. Tôi ra sức học hành, kỷ lục là một lần thi tôi chỉ dành 21 tiếng đồng hồ chỉ để ôn bài và thi trong vòng 2,5 giờ đồng hồ. Sau đó, tôi thường lâm vào tình trạng kiệt sức, kết thúc kỳ thi phải ngủ bù 2-3 ngày liền.
Vấn đề môi trường
Đây là vấn đề quá lớn, tôi không biết làm thế nào để phân tích song thực trạng cho thấy ô nhiễm là kẻ thù chính cho sức khỏe. Tôi được đào tạo ở Na Uy, và nghiên cứu về môi trường quản lý và phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường. Điều đặc biệt là tôi chưa khi nào thấy Thượng Hải là nơi có bầu không khí ô nhiễm.
Nhiều bạn bè ở nước ngoài nói với tôi rằng sống ở Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, khói bụi và ồn ào. Đây là sự thật và tôi phải chấp nhận điều đó.
Tôi không hề đổ lỗi cho sự ô nhiễm ở Thượng Hải đã khiến mình bị ung thư, nhưng có lẽ đây tác nhân chính gây ra căn bệnh ung thư. Thêm vào đó là nguồn nước ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo…
Con số thống kê từ năm 1963-1980 cho thấy số người mắc bệnh ung thư ở Thượng Hải cao hơn 25% so với Bắc Kinh và Thiên Tân. Hơn thế nữa, tỷ lệ phụ nữ Thượng Hải bị mắc bệnh ung thư cũng tăng gần gấp đôi trong gần 20 năm. Trung bình, cứ 100 người phụ nữ sống tại Thượng Hải thì có một người mắc bệnh ung thư, con số này cao hơn nhiều so với các thành phố khác.
Một số giai đoạn của ung thư: Bắt đầu từ tế bào bình thường – loạn sản nhẹ – loạn sản vừa phải sau dần nặng (ung thư biểu mô tại chỗ) – ung thư giai đoạn đầu (ung thư biểu mô niêm mạc) – di căn.
Tôi không nghĩ im lặng là tốt, thay vào đó tôi có thể nói ra những lời mang tính chất cảnh tỉnh cho người khác và hy vọng những điều trên đây sẽ giúp ích cho mọi người.