Đông Phương Cổ Truyền

Thời Khắc Quan Trọng Nhất Của Cuộc Đời Là Lúc Nào?

Có một vị vua nọ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý triều đình. Một hôm vua nghĩ rằng, giá mà trả lời được ba câu hỏi quan trọng nhất này thì công việc sẽ dễ dàng hơn biết mấy.

Từ đó mình có thể tránh được thất bại không đáng có.

Ba câu hỏi quan trọng ấy lần lượt là:

1. Chuyện quan trọng nhất trong cuộc đời là gì?

2. Người quan trọng nhất trong cuộc đời là ai?

3. Thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời là lúc nào?

Nhà vua hạ lệnh dán cáo thị trên dưới khắp cả nước: Nếu có người có thể trả lời được mấy câu hỏi trên, sẽ được trọng thưởng.

Không ít người xem xong cáo thị đều tranh nhau kéo đến hoàng cung, đáp án của mỗi người đều không giống nhau.

Với câu hỏi thứ nhất:

Có người khuyên nhà vua hãy chế định ra một thời gian biểu tường tận. Đem những chuyện nên phải làm vào hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm đều quy hoạch tốt, sau đó làm theo thời gian biểu. Chỉ có như vậy, nhà vua mới có thể làm tốt mọi việc vào thời gian cụ thể.

Có người cho rằng, không nên lên kế hoạch mọi chuyện quan trọng trước. Nhà vua hãy gác những trò tiêu khiển vô vị sang một bên, bảo trì quan tâm coi trọng đối với mỗi một việc, như vậy mới có thể biết được nên phải làm gì vào lúc nào.

Có người kiên trì nói, nhà vua chỉ có thể dựa vào bản thân, bởi không phải chuyện gì cũng đều có thể dự kiến trước cũng như năng lực quyết định lúc nào nên phải làm gì. Điều mà nhà vua thật sự cần phải làm là thiết lập một nhóm người đa mưu túc trí, và hành sự dựa theo lời khuyên của họ.

Có người lại nói, có những chuyện cần phải quyết định ngay lập tức, không có thời gian chờ mọi người thương lượng. Nhưng còn nếu muốn biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, thì cần phải trưng cầu ý kiến của thuật sĩ và các nhà tiên tri.

Với câu hỏi thứ hai:

Có người nói nhà vua cần phải hoàn toàn tín nhiệm bề tôi. Có người cho rằng nên tin cậy vào hiền nhân và lời dạy của các bậc thánh hiền. Còn có người tiến cử bác sĩ với nhà vua. Cũng có người đề nghị nhà vua hãy tin tưởng vào tướng sĩ.

Với câu hỏi thứ ba:

Đáp án cho câu hỏi thứ ba cũng khiến mọi người bàn tán xôn xao. Có người nói khoa học là sự nghiệp quan trọng nhất. Còn những người khác thì kiên trì nói là tôn giáo. Còn có người chủ trương quan trọng nhất là xây dựng củng cố quân đội.

 

Nhưng nhà vua đều không hài lòng với tất cả câu trả lời, một xu tiền thưởng cũng không cho.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, vua quyết định đi bái kiến một vị ẩn sĩ sống trên núi. Nghe nói vị ẩn sĩ đó là một trí giả nổi tiếng. Nhà vua mong rằng có thể tìm được vị ẩn sĩ hỏi ông ta ba câu hỏi đó.

Nhà vua biết ẩn sĩ đó trước nay chưa hề xuống núi, hơn nữa chỉ thích gặp người nghèo, không có bất kỳ giao thiệp nào với những kẻ quyền quý. Thế là, nhà vua bèn cải trang thành thường dân, lệnh cho tùy tùng đợi ở dưới chân núi, còn ông thì một mình lên núi tìm vị ẩn sĩ.

Khi đến nơi, nhà vua thấy vị một ông lão tuổi tác đã cao đang cuốc đất ở vườn rau trước gian nhà nhỏ. Ông lão nhìn thấy người lạ, gật đầu gửi lời hỏi thăm, sau đó tiếp tục cuốc đất. Lao động thể lực đối với ông mà nói đương nhiên rất là khó khăn, mỗi lần nhấc cái cuốc lên đều cảm thấy mệt mỏi vô cùng.

Nhà vua đến chào và hỏi: “Chào ông, tôi đến đây xin được thỉnh giáo ông ba câu hỏi quan trọng nhất: Làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cho cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả? Và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước tiên?”

Nghe câu hỏi của nhà vua xong, ông lão chỉ vỗ vỗ nhẹ lên vai của nhà vua rồi tiếp tục công việc của mình.

Đợi một lúc thấy ông lão mồ hôi nhễ nhại, nhà vua nói: “Ông chắc đã mệt lắm rồi, đưa cuốc cho tôi, tôi giúp ông một lát”. Ông lão cảm ơn và trao cuốc cho nhà vua, ngồi nghỉ mát dưới một tán cây.

Nhiều giờ trôi qua, hai người vẫn tiếp tục thay phiên nhau cuốc đất. Chừng thấm mệt, nhà vua nói: “Tôi đến xin ông trả lời ba câu hỏi, nếu ông không trả lời được câu nào, xin cho tôi biết để tôi còn trở về nhà”.

Vị ẩn sĩ ngẩng đầu lên, hỏi nhà vua: “Ông không nghe thấy bên kia có người đang chạy đến sao?”.

Nhà vua ngoảnh đầu lại. Họ nhìn thấy một người đàn ông từ trong rừng chạy đến, hai tay ôm bụng với vết thương rỉ máu. Người đàn ông đó còn chưa chạy đến trước mặt nhà vua đã ngã quỵ xuống đất, nằm đó rên rỉ đau đớn.

Nhà vua và ông lão vén áo của người đàn ông đó lên xem thử, nhìn thấy một vết thương bị đâm khá sâu. Nhà vua cẩn thận rửa sạch vết thương cho người đàn ông đó, sau đó lấy áo của mình bó chặt lại. Nhưng chưa đến được một lúc, máu đã thấm ướt hết cả chiếc áo. Nhà vua rửa sạch áo, bó chặt vết thương lần nữa. Cứ thế lặp lại nhiều lần như vậy, mãi đến khi máu không còn chảy ra nữa.

Người đàn ông bị thương này cuối cùng đã  hồi phục ý thức, xin họ nước uống. Nhà vua chạy đến bên bờ suối, mang về một hũ nước sạch. Khi đó, mặt trời đã hoàn toàn lặn xuống núi, không khí ban đêm bắt đầu trở nên lạnh lẽo. Vị ẩn sĩ giúp nhà vua khiêng người đó vào trong gian nhà nhỏ của mình, đặt ông ta nằm xuống giường. Người đàn ông đó nhắm mắt nghỉ ngơi.

Sau khi trải qua một ngày leo núi, cuốc đất dài đằng đẵng, nhà vua đã mệt mỏi rã rời, tựa vào cửa liền ngủ thiếp đi. Khi ông tỉnh lại, mặt trời đã nhô lên đến đỉnh núi. Ông nhất thời cũng không rõ bản thân mình đang ở đâu và đã đến đây lúc nào. Ông nhìn về phía giường bên kia, nhìn thấy người đàn ông bị thương đó cũng đang hốt hoảng nhìn ông.

Khi người đàn ông đó và nhà vua bốn mắt chạm nhau, ông ta định thần lại nhìn nhà vua, nhỏ nhẹ nói rằng: “Xin bệ hạ hãy tha tội cho tôi”.

“Nhà ngươi đã phạm tội gì mà muốn ta tha thứ cho ngươi?”. Nhà vua hỏi.

“Bệ hạ không biết tôi, nhưng tôi lại biết ngài. Tôi là kẻ thù không đội trời chung của ngài, tôi đã từng lập lời thề quyết phải báo thù. Bởi ngày trước trong chiến tranh, bệ hạ đã giết chết một người anh trai của tôi, và còn tịch thu hết gia sản của tôi. Khi tôi biết bệ hạ sẽ một mình lên núi để gặp ông đạo sĩ, tôi đã quyết tâm mai phục trả thù bệ hạ trên đường về. Đợi đến tối mà vẫn chưa thấy ngài trở xuống, tôi đã lên núi tìm, cuối cùng bị bốn tên vệ sĩ nhận mặt được và đánh trọng thương. May mà tôi đã thoát được, một mạch chạy thẳng đến nơi này“.

“Nếu không được bệ hạ cứu giúp chắc đã không qua khỏi. Vốn dĩ tôi muốn hành thích bệ hạ, thế mà ngài lại cứu tôi một mạng sống! Tôi thật nói không hết nỗi hổ thẹn và cảm kích trong lòng. Sau khi trở về, tôi nguyện dùng cả đời còn lại của mình làm người hầu cận của ngài, tôi cũng sẽ căn dặn con cháu theo hầu ngài giống như vậy. Xin hãy tha thứ lỗi cho tôi!”.

Nghe xong câu chuyện, thấy mình hòa giải được với kẻ thù dễ dàng, nhà vua rất vui mừng. Vua không những tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản, và gửi ngự y cùng quân hầu tới săn sóc cho đến khi ông ta lành bệnh. Nhà vua chào từ biệt ông lão trở về hoàng cung. Trước khi đi, nhà vua nói với ông lão: “Tôi vẫn còn tâm nguyện chưa thỏa, ông vẫn chưa trả lời ba câu hỏi đó của tôi”.

Vị đạo sĩ đó nhìn nhìn nhà vua: “Ba câu hỏi ấy không phải đã có câu trả lời rồi sao”.

Nhà vua ngạc nhiên không hiểu. Lúc này đạo sĩ nói: “Hôm qua, nếu người không thương hại bần đạo già yếu mà ra tay cuốc đất dùm, thì khi ra về ngài đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi, và người sẽ tiếc rằng đã không ở lại cùng ta. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian người đang cuốc đất. Người quan trọng nhất lúc đó là bần đạo đây, còn công việc quan trọng nhất là việc cuốc đất giúp bần đạo“.

“Khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian ngài chăm sóc cho anh ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho thì anh ta sẽ chết và ngài không có dịp hòa giải; cũng vì thế mà anh ta là người quan trọng nhất, và công việc ngài làm để cứu chữa cho anh ta là quan trọng nhất”.

Lúc này, nhà vua chợt hiểu ra: “Ồ, thì ra là vậy!”.

Vậy nên hãy nhớ rằng, thời khắc quan trọng nhất mãi mãi chỉ có một, đó chính là hiện tại. Hiện tại là thời gian duy nhất mà chúng ta có thể làm chủ. Người quan trọng nhất chính là người đang ở cùng bạn ngay lúc đó. Và công việc quan trọng nhất là làm cho người sống cạnh mình vui vẻ, hạnh phúc, đem đến những điều tốt đẹp cho họ.

Nhiều người trong chúng ta ngày nay thường gặp khó khăn vì cứ mải lo nghĩ đến những điều xa xôi, những việc không thực tế, trong khi những thứ cần thiết quan trọng hơn trước mắt thì lại bị bỏ qua.

Chỉ cần bạn nhớ rằng, không có thời gian nào quan trọng hơn khoảnh khắc hiện tại, không có công việc nào quan trọng hơn việc bạn đang làm, và không người nào bạn cần chú trọng hơn người đang tiếp xúc trước mặt bạn, thì mọi điều trong cuộc sống sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Và quan trọng nhất là, bạn sẽ luôn có được sự bình an.

Theo phununews

13 Tháng Mười, 2017