Đông Phương Cổ Truyền

Các công phu đặc biệt của trường phái Thái Cực Liên Hoa

Trong Thái cực khí công, ngón tay và bàn trở nên những đối tượng tập luyện đầu tiên và lâu dài, cần đạt được những trình độ khéo léo, linh hoạt, mềm mại để dẫn khí thâu vào hay xuất ra theo hơi thở. Sự trầm lắng tinh thần hay phát dương tư tưởng đều bắt nguồn từ đôi bàn tay.

Phép thông kinh dẫn khí

Động tác có thể thực hiện ở tư thế đứng (trạm công) hoặc ngồi. Mục đích phát “tín hiệu” đi theo hệ kinh lạc dẫn ra đôi bàn tay, ban đầu khí lực còn non kém nên tập phát trong phạm vi ngắn, phải qui tụ nguồn “từ lực” phối hợp qua đôi bàn tay. Phát và hút từ hai cực âm dương, huyệt lao cung giữa lòng bàn tay và huyệt dũng tuyền giữa lòng bàn chân bám đất. Hút khí âm từ đất qua hai huyệt dũng tuyền rồi phát ra hai huyệt lao cung.

Khi phát công đúng, lực phát ra từ đôi bàn tay cảm thấy như đẩy nhau. Tiếp đến qua động tác chuyển cầu, lăn cầu, nhờ đó ta nuôi dưỡng, phát triển dần nguồn từ tính từ quả cầu nhỏ cho đến quả cầu lớn hơn. Chính nhờ “nhân điện” này ta có thể sử dụng để chữa bệnh bằng đôi tay với hiệu quả gấp bội.

Phép linh miêu tẩy diện

Dựa theo hình tượng chú mèo rửa mặt nhằm giải tỏa những ứ trệ, tạo sự lưu thông khí huyết và sự thoải mái về tinh thần. Ta đã biết khuôn mặt, đầu và hai lòng bàn tay rất thích hợp cho việc thể hiện và tiếp nhận năng lượng khí hóa dễ dàng, nhạy cảm nhất bằng những phản xạ thần kinh.

Linh miêu tẩy diện sử dụng năng lượng của đôi tay (đã được luyện tập) tác dụng đến vùng đầu mặt và các vùng khác để điều chỉnh sự rối loạn trong cơ thể. Đôi bàn tay là nơi thu phát lực tốt nhất, ít có hiệu quả phụ xấu xảy ra.

Muốn tập linh miêu tẩy diện phải trải các phép tụ khí đan điền, còn gọi là khí trầm đan điền, tức phép thở không ép bụng hoặc có ép bụng với tâm ý đặt tại huyệt khí hải hay mệnh môn; đồng thời tập thêm phép thông kinh dẫn khí và phép xoa khí cách không.

Thái cực khí công Đại chu thiên

Đây cũng là phép linh miêu tẩy diện nhưng có tác dụng toàn thân, tẩy toàn diện cơ thể theo nguyên tắc “âm thăng, dương giáng”, áp dụng điều hòa khí huyết cho toàn bộ 12 đường kinh huyệt của cơ thể.

Phép tĩnh tọa

Phép này được xem như một phép tập trung gian giữa nằm và đứng hoặc di chuyển. Sự trung dung tối cần thiết cho rèn luyện khí công tới trình độ trung cao, chưa được chuẩn tốt phần Thái cực khí công cơ bản – Thập nhị liên hoa vào ngay phép tĩnh tọa sẽ gặp trở ngại nhất định. Bước thang thứ mười muốn tới nhưng liệu đã đi qua những bước thang từ một đến chín chưa? Sự thành công rèn luyện chính ở sự nhẫn nại, tiệm tiến theo dõi tinh tường biến đổi cơ thể và tâm ý mình. Hoạt động tâm ý có giá trị gấp nhiều lần hoạt động cơ bắp.

Phép tĩnh tọa mục đích giúp Tâm Ý có ý thức điều chỉnh hệ thần kinh, nâng tính hưng phấn và ức chế lên trình độ cao hơn.

Chắp tay và thủ ấn

Các ngón tay, bàn tay ảnh hưởng đến khí lực ở nội tạng rất nhiều, đồng thời đầu ngón tay là những đầu mút thần kinh và là điểm xúc tác trực tiếp với bên ngoài để cảm nhận. Trong võ học, đầu ngón tay và bàn tay như những chiếc vòi dò dẫn khí lực đối phương qua những thủ pháp đặc biệt (triêm, niêm, liên, tùy).

Trong Thái cực khí công, ngón tay và bàn trở nên những đối tượng tập luyện đầu tiên và lâu dài, cần đạt được những trình độ khéo léo, linh hoạt, mềm mại để dẫn khí thâu vào hay xuất ra theo hơi thở. Sự trầm lắng tinh thần hay phát dương tư tưởng đều bắt nguồn từ đôi bàn tay.

Muốn đánh thức tiềm lực của đại não, hãy vận động ngón tay và bàn tay theo các thủ pháp (xoa, xát, ấn, kéo, xoay, gật, bẻ, lắc). Đồng thời, người luyện tập phải liên tục theo dõi sự chuyển động của đôi bàn tay khi thực hiện các động tác Thái cực khí công.

23 Tháng Tám, 2017